Tại phiên xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin nộp 37 tỉ đồng (tương đương ¾ tài sản tham ô) để khắc phục hậu quả, đồng thời mong HĐXX xem xét giảm mức hình phạt.
Đây là số tiền có được từ việc bán tài sản chung của vợ chồng và doanh nhân Nguyễn Trung Hà, bạn thân ông Nguyễn Xuân Sơn, cho vay để bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát vẫn cho rằng, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chưa đủ điều kiện để được giảm hình phạt tử hình
Căn cứ theo Điểm c Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với Tội tham ô tài sản thuộc Khoản 4 Điều 353 BLHS 2015 sẽ không phải chịu hình phạt tử hình nếu: “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Vậy, việc đại diện Viện kiểm sát cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn chưa đủ điều kiện để được giảm hình phạt tử hình là có quá nặng cho bị cáo này?
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long, Đoàn luật sư TPHCM, phân tích: Theo quy định trên, người phạm tội tham ô tài sản vẫn bị kết án tử hình nếu thuộc trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 3, điều luật nói trên, người bị kết án tử hình sẽ không phải thi hành án nếu đáp ứng cùng lúc đủ hai điều kiện: Đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Do đó, cách hiểu những người phạm tội Tham ô tài sản nếu nộp lại 3/4 tài sản tham ô thì sẽ không bị kết án tử hình nữa là chưa chính xác.
Như vậy, để đáp ứng được đủ hai điều kiện trên, tùy thuộc vào HĐXX xem xét thêm yếu tố trong quá trình điều tra xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mức độ hợp tác tích cực để cùng với các cơ quan chức năng xử lý tội phạm hoặc xem xét đến yếu tố bị cáo lập công lớn.
Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của tôi là khi xét xử, TAND cần cân nhắc khi tuyên mức án với các bị cáo phạm tội tham ô, bởi mục tiêu cuối cùng trong việc xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng là thu hồi tối đa tài sản tham ô, hối lộ.
Nếu xử lý tử hình tội phạm tham nhũng thì Nhà nước không thu hồi lại được tiền, mục đích cuối cùng không đạt được và không khuyến khích người phạm tội ăn năn hối cải. Đồng thời, ngoài mục đích trừng trị tội phạm, quy định pháp luật còn nhằm giáo dục, tạo cơ hội để tội phạm cải tạo.