Thu gom khẩu trang, nước rửa tay để bán giá cao, có thể ở tù 7 năm
0 Comments
admin
27 Tháng Bảy, 2020
Lợi dụng nhu cầu khẩu trang, nước rửa tay tăng cao giữa những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều cá nhân, đơn vị đã có hành vi thu gom để chờ tăng giá rồi bán lại.
Hành vi đầu cơ này đang khiến xã hội lên án, nhưng xét về góc độ pháp lý, có thể đối diện với án phạt tù.
Theo thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh – Đoàn luật sư TP.HCM, hành vi trên có dấu hiệu cấu thành tội đầu cơ, quy định tại điều 196 bộ luật Hình sự năm 2015: “Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 – 300.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng – 7 năm tùy trường hợp”.
Phân tích về các yếu tố cấu thành tội đầu cơ, luật sư Mạnh cho biết: Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế. Đối tượng tác động là hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá. Mặt khách quan là có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa một cách giả tạo để mua vét hàng hóa có số lượng lớn nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Luật sư Mạnh lưu ý, với tội phạm này, số lượng hàng hóa phải là số lượng lớn. Bên cạnh đó, hành vi này còn phải gây hậu quả nghiêm trọng. Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây là làm rối loạn thị trường, đẩy giá cả tăng vọt dẫn đến nhà nước không kiểm soát được; làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, gây hoang mang lo sợ trong một bộ phận nhân dân hoặc gây chết nhiều người do không đủ điều kiện để khắc phục tình trạng dịch bệnh…
Chủ thể của tội phạm này là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể cũng có thể là tổ chức có tư cách pháp nhân và là pháp nhân thương mại. Về mặt chủ quan, người thực hiện hành vi đầu cơ là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là gây ra sự khan hiếm hàng hóa, làm cho hàng hóa tăng giá, xâm hại tới chính sách quản lý giá cả, chính sách về lưu thông phân phối của nhà nước, lợi ích chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng nhưng vì lợi nhuận nên vẫn mua vét; thấy trước được hậu quả của hành vi và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Đối với pháp nhân, lỗi cố ý được thể hiện ở việc lãnh đạo của pháp nhân có kế hoạch chỉ đạo, điều hành việc mua vét hàng hóa…