Cho vay tín chấp với thủ tục ‘đơn giản, nhanh chóng’, đến khi khách hàng chưa kịp trả nợ, nhân viên ‘liều mình’ soạn các tin nhắn ‘nhân danh cơ quan tố tụng’ gửi đến khách hàng đòi nợ.
Ông Nguyễn Quốc Dũng trình bày sự việc tại Tòa soạn báo Thanh Niên – Ảnh: P.V
Trễ góp tiền 5 ngày đã bị “công an” hỏi thăm
Ông Nguyễn Quốc Dũng (ngụ Q.10, TP.HCM) mua chiếc điện thoại di động hồi tháng 1.2018 và có vay của FE Credit số tiền 7 triệu đồng, mỗi tháng góp gốc và lãi 706.000 đồng. Tháng 9 vừa qua, khi có việc về miền Tây, ông Dũng chậm đóng tiền 5 ngày.
Sang ngày thứ 6, ông Dũng chuẩn bị đi đóng tiền thì nhận được tin nhắn: “Cảnh cáo lần cuối! Chúng tôi đã nhắc nhở, cảnh cáo nhiều lần nhưng thái độ của ông/bà Nguyễn Quốc Dũng và những người liên quan là hoàn toàn bất hợp tác. Trước 12h ngày 01.10.2018 không thanh toán tiền góp, Công An sẽ vào cuộc điều tra theo quy định của pháp luật. Sau thời gian nêu trên nếu không giải quyết, yêu cầu ông/bà và những người có liên quan có mặt tại Tòa án TP.HCM… để hoàn tất hồ sơ khởi kiện”.
Ông Nguyễn Quốc Dũng vừa trình bày sự việc vừa run: “Tôi không biết đây là thật hay không nhưng đọc tin mà sợ quá. Tôi trễ góp tiền chứ có phải tội phạm đâu mà hết công an rồi tới tòa án vào cuộc?”.
Sau đó, ông Dũng còn nhận được các tin nhắn có nội dung Viện kiểm sát nhân dân đã khởi tố bị can đối với ông và tin nhắn cho biết, quyết định khởi tố đã được gửi về công an địa phương (!?)
Sau đó là…thi hành án
Cũng như ông Dũng, ông Lê Văn Ngà (Q.8, TP.HCM) có vay trả góp từ Home Credit để mua tivi. Tháng 9, ông Lê Văn Ngà chưa kịp đóng tiền liền nhận thông báo: “Văn phòng pháp lý Home Credit Việt Nam đề nghị Lê Văn Ngà, SN: 1966 đóng ngay 1.248.000 VNĐ trước 21h ngày 17.9.2018, nếu không, mời đại diện gia đình đúng 8h ngày 19.9.2018 đến thi hành án dân sự Q.8 để giải quyết đơn kiện về hành vi cố tình trì hoãn, trốn tránh chiếm đoạt tài sản theo điều 140 BLHS”.
Tức giận, ông Ngà nói: “Họ là doanh nghiệp mà đối xử với khách hàng quá thô bạo, mất lịch sự. Vì tin nhắn này mà tôi không tiếp tục đóng tiền cho họ. Tôi buộc họ phải xin lỗi tôi vì những gì họ đã làm thì tôi mới tiếp tục đóng”.
Ông Ngà nói thêm: “Bây giờ, nếu ai đi vay tiền dù là vay tiền từ các doanh nghiệp thì đừng có yếu tim. Nếu yếu tim là dễ bị đột quỵ khi nhận những tin nhắn như thế. Tất nhiên, đóng tiền trễ là lỗi của tôi nhưng không phải vì thế mà họ coi là tội phạm”.
Tình trạng khách hàng chưa đóng tiền góp cho các công ty tài chính là nhận được các tin nhắn như trên hiện nay là khá phổ biến. Điều này vô hình chung khiến người dân lầm tưởng cơ quan tố tụng đang tham gia vào việc đòi nợ thay cho các công ty tài chính.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Thạc sĩ – Lê Thị Phương, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Long, cho rằng: Đòi nợ tuy là một quyền tài sản dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự tại Điều 322 Bộ luật dân sự 2015.
Tuy nhiên, hành vi nhắn tin với nội dung giả mạo, lạm dụng các cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước nhằm hù dọa khách hàng là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về giả mạo chức vụ, cấp bậc được quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự 2015. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, được hiểu là hành vi dùng thủ đoạn gian dối bằng lời nói, chữ viết, giấy tờ, trang phục, phù hiệu… làm cho người khác lầm tưởng là người có chức vụ, cấp bậc để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Thạc sĩ Lê Thị Phương nhấn mạnh, hành vi nhắn tin với nội dung giả mạo, lạm dụng các cơ quan tố tụng, cơ quan nhà nước nhằm mục đích đòi nợ nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự theo quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự 2015 thì đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật mà tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt hành chính.
Các công ty tài chính nói gì?
Khi trao đổi với đại diện các công ty tài chính chung quanh câu chuyện này, hầu hết đều khẳng định đó không phải là tin nhắn từ đơn vị họ phát ra.
Home Credit Việt Nam giải thích, nhằm bảo mật thông tin, tổng đài thu hồi nợ không hiển thị số điện thoại khách hàng. Các liên lạc với khách hàng từ tổng đài sẽ luôn được hiển thị dưới tên thương hiệu Home Credit. Những tin nhắn không hiển thị tên thương hiệu Home Credit là không phải giao dịch chính thức.
Tương tự, phía FE Credit cho biết các tin nhắn đã nhắn cho ông Nguyễn Quốc Dũng không xuất phát từ Hệ thống nhắn tin thu hồi nợ của FE Credit, nội dung các tin nhắn không trùng khớp với mẫu nội dung tin nhắn được FE Credit sử dụng khi liên hệ với khách hàng ví trong nội dung tin nhắn liên hệ với khách hàng luôn xuất hiện tên thương hiệu FE Credit.
Hành vi gây áp lực với khách hành để thu hồi nợ không phải là biện pháp thu hồi nợ của FE Credit.